PDA

View Full Version : Thăm quê hương Yamaha piano ( phần 1 )


contact
25-06-2012, 09:02 AM
Dân chơi piano ai cũng biết đến Yamaha – hiệu đàn piano của Nhật, nổi tiếng thế giới có lẽ chỉ còn sau Steinway & Sons của Mỹ. Danh cầm Sviatoslav Richter - một trong ba đại diện kiệt xuất (đã quá cố) cho nền âm nhạc biểu diễn của Nga, bên cạnh David Oistrach (chơi violin) và Mtislav Rostropovich (chơi cello) – sinh thời ưa chuộng Yamaha piano còn hơn cả Steinway. Hai nghệ sĩ piano đoạt giải nhất tại cuộc thi âm nhạc mang tên Tchaikovsky là Denis Matsuev (Nga) (năm 1999) và Ayako Uehara (Nhật Bản) (năm 2002) đều chơi Yamaha grand piano (đại dương cầm Yamaha) [1] tại cuộc thi. A. Uehara lại là người Nhật Bản đầu tiên đồng thời là phụ nữ đầu tiên đoạt giải nhất môn piano tại cuộc thi danh tiếng này. Còn đối với những ai mê piano nhưng lại chưa đủ “tiề…n lực” để mua một “con” Steinway, thì Yamaha piano có lẽ là lựa chọn tốt nhất.
Cụ Nguyễn Du từng viết: “Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.” Yamaha piano nổi tiếng là vậy nhưng không phải ai cũng biết những piano ấy có xuất xứ từ đâu và có dịp thấy tận mắt chúng được sản xuất như thế nào. Bài viết này kể lại chuyến đi thăm nơi sản xuất những chiếc Yamaha grand piano đó.
*
Được hưởng những dịch vụ tuyệt vời của Yamaha kể từ sau khi mua chiếc Yamaha Gran’Touch cách đây 7 năm [2], tôi vẫn dự định có ngày sẽ ghé thăm “sào huyệt” của những “phù thủy âm thanh” này. Hiềm một nỗi thủ phủ sản xuất nhạc cụ Yamaha tại Hamamatsu, trong đó trước tiên là Yamaha grand piano, không làm việc vào thứ Bảy và Chủ Nhật. Mãi đến năm nay, sau khi con tôi vào đại học, tôi mới lấy một ngày nghỉ hè vào thứ Sáu tuần trước để cùng vợ tôi đi Hamamatsu tham quan nhà máy Yamaha piano.
Đầu tiên tôi phải đăng ký qua mạng internet. Tôi phải khai tên, số người đi cùng, quốc tịch và chọn ngôn ngữ để nghe hướng dẫn (tiếng Anh hoặc Nhật). Té ra hôm đó chỉ có buổi tham quan bắt đầu lúc 10 giờ 30 phút sáng là còn chỗ trống. Kể ra thế thì hơi sớm vì quãng đường từ nhà tôi đến Hamamatsu dài khoảng 280 km và phải đi mất 2 giờ rưỡi đồng hồ, trong đó có khoảng 250 km phải đi tàu siêu tốc shinkansen (super express train). Đi “tàu chợ” thì sẽ mất tới 5 giờ đồng hồ. Ngoài ra, khi tôi gọi điện cho nhà máy, họ nói hôm đó đã có một nhóm người Nhật đăng ký nên chúng tôi phải nhập bọn và nghe hướng dẫn bằng tiếng Nhật.
Chúng tôi xuất phát từ ga nhà mình lúc 6 giờ rưỡi sáng để đi đến ga Shinagawa. Từ đây chúng tôi chuyển sang shinkansen mang tên “Hikari” (Ánh sáng), khởi hành lúc 8 giờ 14 phút và đến Hamamatsu lúc 9 giờ 35 phút. Như vậy tàu đã vượt qua quãng đường dài 250 km chỉ trong 1 giờ 19 phút với tốc độ chừng 190 km/giờ, vì có dừng khoảng 2 phút tại ga Shizuoka.
Hamamatsu là thành phố lớn nhất tỉnh Shizuoka, nằm ở vùng giữa của tuyến đường sắt Tokyo - Osaka, nổi tiếng vì có trụ sở chính của các công ty sản xuất nhạc cụ như Yamaha, Kawai, Roland. Từ năm 1991 Hamamatsu còn là nơi tổ chức cuộc thi piano quốc tế 3 năm một lần (The Hamamatsu International Piano Competition), nằm trong Liên đoàn các cuộc thi âm nhạc thế giới (The World Federation of International Music Competitions). Cuộc thi này đã trở thành bệ phóng cho nhiều nghệ sĩ piano trẻ tuổi như Alexander Gavrylyuk (Ukraine) - giải nhất năm 2000, Ayako Uehara - giải nhì năm 2000, Rafal Blechacz (Ba Lan) - giải nhất năm 2003, v.v. Gavrylyuk sau đó đã đoạt giải nhất cuộc thi piano mang tên Rubinstein năm 2005, Uehara - giải nhất cuộc thi piano mang tên Tchaikovsky năm 2002, còn Blechacz - giải nhất cuộc thi piano mang tên Chopin năm 2005. Tôi từng gửi trang web thông báo thể lệ cuộc thi piano tại Hamamatsu lần thứ 7 (sẽ diễn ra từ 8 – 23/11/2009) về cho một người bạn hiện dạy piano tại nhạc viện t/p HCM để phổ biến với hy vọng các thí sinh piano Việt Nam sẽ sang tham gia. Câu trả lời tôi nhận được là: “Không được đâu, anh Đăng ơi. Yêu cầu cao như thế thì thí sinh của mình sẽ bị rụng ngay từ vòng loại nghe DVD gửi sang rồi! Hơn nữa lại phải tự túc ăn ở đi lại thì Việt Nam ta chẳng ai chịu được đâu.” [3]
Từ ga Hamamatsu chúng tôi đi tàu điện mất 4 phút để đến nhà máy sản xuất Yamaha piano. Nhà máy rộng dễ đến vài cây số vuông. Điều ngạc nhiên đầu tiên: trước tòa nhà tiếp đón khách tham quan, tôi thấy ngạo nghễ trên đỉnh hai cái cột cờ là cờ Nhật và cờ Việt Nam! Chẳng lẽ người ta treo cờ để đón chúng tôi, hai khách tham quan vãng lai đăng ký qua internet? Đẩy cửa bước vào, tiến lại bàn tiếp khách, đã thấy một cô gái cười tươi, hỏi ngay: “Ông có phải là Nguyễn-san?” (“san” trong tiếng Nhật có nghĩa là “ông/bà”). Sau đó cô cho biết đoàn khách Nhật vừa gọi điện hủy cuộc thăm quan, nên hôm nay chỉ có hai vợ chồng tôi. Khi tôi hỏi tại sao có cờ Việt Nam được kéo lên trước cửa, cô nói đó là vì Yamaha được hân hạnh đón chúng tôi đến thăm! Chưa hết, cô còn nói họ đã mời một hướng dẫn viên tiếng Anh để phục vụ hai chúng tôi. Để khỏi bị hiểu lầm tôi xin lưu ý ngay với độc giả: cuộc tham quan hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người.
Cô hướng dẫn viên cũng trẻ và xinh xắn. Cô phát âm tiếng Anh không chuẩn lắm nhưng lưu loát. Đầu tiên cô mời chúng tôi vào một salon có ghế bành bọc da và TV màn hình phẳng cỡ 50 inches mỏng dính để chúng tôi xem băng video 20 phút giới thiệu về nhà máy Yamaha. Sau đúng 20 phút cô lại khẽ khàng gõ cửa bước vào mời chúng tôi theo cô đi tham quan các phân xưởng sản xuất đại dương cầm (grand piano).