PDA

View Full Version : Tuồng Việt: loại văn nghệ trình diễn cổ truyền đặc sắc


adi
14-06-2012, 08:54 AM
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/a1.jpg
Tuồng còn gọi là hát bội, hát bộ hay luông tuồng, bộ môn nghệ thuật cổ điển và bác học bậc nhất Việt Nam, là một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền ở Việt Nam (http://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%C3%A1%C2%BB?t_Nam), phát triển từ loại hình sân khấu dân gian của văn học Việt Nam, được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ XVIII, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. ngày nay môn nghệ thuật này vẫn được coi là “quốc hồn, quốc túy” của người Việt, sánh như Kinh kịch của Trung Quốc hay kịch Noh của Nhật Bản.
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/flower.gif Tuồng Việt: loại văn nghệ trình diễn cổ truyền đặc sắc
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/a2.jpg
Môn nghệ thuật Tuồng từng thâm nhập vào cuộc sống cung đình (http://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Cung_%C4%91%C3%ACnh&action=edit&redlink=1) xưa, sử dụng kết hợp những động tác, vũ đạo, những trình thức hết sức phức tạp được cách điệu, nghệ thuật hóa, thông qua các đạo cụ như: đao, thương, giáo, kiếm, phủ, rìu, roi ngựa...
Tuồng thuộc dòng sân khấu tự sự phương Ðông. Phương thức phản ánh đã sinh ra thủ pháp và phương tiện biểu diễn Tuồng. Trong quá trình tái hiện cuộc sống, Tuồng không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần. Tả thần là biện pháp nhằm lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết ấy không gây được hiệu quả nghệ thuật. Ðể lột tả được cái thần của nhân vật Tuồng dùng thủ pháp khoa trương cách điệu. Tất cả những lời nói, động tác hình thể sự đi lại trên sân khấu Tuồng đều được khoa trương và cách điệu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể. Tuồng có một hệ thống những điệu hát và những hình thức múa cơ bản mang tính chất mô hình. Người diễn viên tuồng căn cứ vào hoàn cảnh và tính cách nhân vật mà vận dụng linh hoạt những mô hình đó cho phù hợp. Ðặc trưng của khoa trương cách điệu còn được thể hiện trong âm nhạc, hoá trang, sự hình thành các kiểu mặt nạ hoá trang chủ yếu là sự khoa trương cách điệu đường nét , nếp nhăn trên khuôn mặt người. Quá trình khoa trương cách điệu trong Tuồng đều theo luật chi phối của luật âm dương.
Cùng với khoa trương cách điệu, Tuồng còn dùng thủ pháp biểu trưng ước lệ nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể cuốn hút khán giả cùng tham gia vào sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn viên. Một chiếc roi ngựa có thể thay thế cho một con ngựa, chiếc mái chèo thay cho con thuyền, vài người lính có thể thay thế cho cả một đạo quân, một vòng đi quanh sân khấu có thể thay cho vạn dặm đường trường. Phương pháp cách điệu hoá được dùng một cách nhất quán và toàn diện trong biểu diễn. Người diễn viên không tuân thủ hình thức bên ngoài, mà đi xa cái dạng tự nhiên, biến thành tượng trưng, mang ý nghĩa biều tượng, ý nghĩa của một tín hiệu, cái roi ngựa tượng trưng cho con ngựa, cái mái chèo tượng trung cho con thuyền…Người diễn viên Tuồng truyền thống trong khi miêu tả vật thể, không dừng lại ở vỏ của vật thể mà đi vào sự sống của vật thể là cái thần của sự vật. “Cái thần” chính là đỉnh cao của nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống.
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/a3.jpg
Khác với sân khấu hiện thực tâm lý, Tuồng (http://diendanamnhac.vn) rất ít bài trí sân khấu. Không gian sân khấu thường được bỏ trống, người diễn viên xuất hiện thì không gian, thời gian cũng xuất hiện. Nhân vật hành động trong không gian, thời gian nào thì sân khấu là không gian, thời gian đó. Thuở trước các gánh hát Tuồng chỉ cần chỉ có một chiếc chiếu trải giữa sân đình và đôi ba cái hòm gỗ đựng đạo cụ phục trang vậy mà họ vẫn diễn tả được không gian thời gian khác nhau, khi là trốn cung điện nguy nga, lúc là nơi núi rừng hiểm trở...
Trong nghệ thuật Tuồng truyền thống, ngoài lối hát, yếu tố quan trọng tạo nên đặc trưng của loại hình nghệ thuật này chính là múa Tuồng. Múa Tuồng được hình thành từ những động tác sinh hoạt và hành động tấm lý trong cuộc sống xã hội của con người. Các thế hệ diễn viên đã chắt lọc những động tác sinh hoạt, lao động hàng ngày; tiếp thu những tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo trong tế lễ, hội hè; múa cung đình và võ thuật dân tộc để xây dựng hệ thống động tác từ đơn giản đến phức tạp. Múa Tuồng có những nguyên tắc nghiêm ngặt: nội ngoại tương quan, tả hữu tương ứng, thượng hạ tương phù. Nghĩa là hành động bên trong, hành động bên ngoài phải tương ứng; phải trái phải cân đối; trên, dưới, phải phù hợp trong hoàn cảnh quy định. Múa Tuồng có chức năng minh hoạ, chức năng bài cảnh. Trong một vài hoàn cảnh nào đó, múa tuồng có khả năng độc lập; nó có thể thay thế cho lời nói, điệu hát để diễn đạt tâm trạng, tính cách của nhân vật như các lớp diễn: “Liêm Cương tắm ngựa”, “ Châu Xương cấy râu”…
Múa Tuồng với nói lối và hát Tuồng gắn bó hết sức hữu cơ, đều phải tuân thủ nguyên tắc khoa trương cách điệu. Từ những giai điệu trong tế lễ, trong hát xướng dân gian được hình thành nói lối, bài bản, làn điệu Tuồng. Nói lối Tuồng dựa theo văn biền ngẫu từ bốn đến tám chữ. Đầu câu và giữa câu thường đệm vào nói hường, nói kẻ theo thể văn xuôi cho rõ nghĩa câu hát hoặc để vỉa vào câu hát. Bài bản là hát theo nhịp phách. Làn điệu là hát có nhạc đệm riêng biệt. Bài bản, làn điệu được hát thhttp://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/14.jpgeo nhiều thể thơ khác nhau lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn, ngũ ngôn…nói lối, bài bản, làm điệu, là một kiểu “đài từ” riêng của nghệ thuật sân khấu Tuồng nó được diễn đạt theo tâm trạng, tính cách của từng nhân vật.
Cùng với người diễn viên cảnh tượng sân khấu mới hiện dần lên, địa điểm và thời gian kịch mới được xác định. Với một câu hát, một điệu múa, người diễn viên dựng nên cả một trời tưởng tượng, lúc là triều đình, khi là rừng núi, lúc là vườn thượng uyển, thoắt đã thành bãi chiến trường. Nhiệm vụ của người diễn viên Tuồng còn kiêm cả việc bài cảnh. Nhưng để dựng được cảnh sắc trong trí tưởng tượng của người xem, người diễn viên Tuồng phải dùng những động tác tượng trưng với giả định có cảnh thật trước mắt. Đây là những động tác điêu luyện, được cách điệu cao và giầu sức biểu hiện. Nhờ những động tác tượng trưng này, người diễn viên Tuồng vượt ra ngoài khuôn khổ diện tích chật hẹp của sân khấu, tạo nên toàn bộ cuộc sống trên sân khấu.
Tuồng vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của sân khấu hiện đại. Yếu tố cổ điển biểu hiện ở chỗ tất cả những điệu hát, điệu múa được đúc kết trở thành khuôn vàng thước ngọc, hiện đại ở chỗ người diễn viên biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí, Tuồng là loại sân khấu tổng thể. Ở đây các yếu tố ca, vũ nhạc được pháp triển một cách hài hoà trong nghệ thuật biểu diễn.
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/flower.gif Lịch sử Nghệ thuật Tuồng Việt Nam
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/annamite3.jpg
Tuồng truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, là sân khấu ca kịch chuyên nghiệp cao nhất, lâu đời nhất ở Việt Nam với những khuôn mẫu mang tính kinh điển.
Nghệ nhân đặt nền móng cho môn nghệ thuật Tuồng Việt chính là Đào Duy Từ (1572- 1634), quê Ngọc Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Ông vừa là nhà thơ, nhà nghệ thuật, vừa là nhà quân sự và nhà ngoại giao Đàng Trong. Từ nhỏ nổi tiếng thông minh học giỏi, nhưng vì xuất thân trong một gia đình làm nghề ca xướng, nên bị cấm thi cử. Bất mãn với thời vua Lê - chúa Trịnh, Đào Duy Từ vào phò chúa Nguyễn xây dựng xứ Đàng Trong ở buổi đầu. Ông là tác giả bộ sách quân sự Hổ trướng khu cơ và là người chỉ đạo việc đắp Luỹ Thầy nổi tiếng.
Nếu như Đào Duy Từ được tôn vinh là ông tổ của nghệ thuật hát Tuồng, thì người góp phần to lớn trong việc mở mang loại hình nghệ thuật này chính là hậu tổ - danh sĩ, nhà soạn tuồng Đào Tấn. Đào Tấn hiệu là Mai Tăng, sinh năm 1845 ở Bình Định và mất vào ngày Rằm tháng 7 năm Đinh Tỵ (1907), tại làng Vĩnh Thạch. Ông là tác giả hàng trăm bài ca thơ và từ. Ông còn là người đào tạo nhiều kép hát, nhà đạo diễn mẫu mực và là nhà lý luận sân khấu sắc sảo. Ông rất quan tâm đến việc hệ thống hoá nghệ thuật, diễn viên và nhất là âm nhạc. Ông đã viết "Chương khúc điệu" cho Tuồng. Với ông, chiếc trống chầu là cầu nối giữa sân khấu và khán giả. Người đánh chầu theo "đả cổ pháp" của Đào Tấn, là người không chỉ làm nhiệm vụ khen chê, phê phán, mà chủ yếu là hỗ trợ cho diễn xuất và kích thích cảm ứng của người xem. Ông đả phá những điều hà khắc của luật pháp phong kiến bằng chính tài năng và bản lĩnh của mình. Điều đó thể hiện rõ trong các tác phẩm của Đào Tấn như vở "Tuồng Khuê các anh hùng" hay vở "Sơn Hậu". Ông mỉa mai luật pháp của triều Nguyễn quá tàn bạo khắt khe, khi tiếp thu lại bộ luật nghiệt ngã của triều đình nhà Thanh.
Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương... Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của Tuồng. Có thể nói Tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Trong những hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột bạo liệt bi ai các nhân vật chính diện của Tuồng đã vươn lên thoát khỏi sự chế ngự của hoàn cảnh hành động một cách dũng cảm anh hùng, trở thành một tấm gương, một bài học cho người đời ngưỡng mộ noi theo.
Tuy nhiên, hầu hết các học giả nghiên cứu kinh kịch Trung Quốc đều xác nhận kinh kịch là loại kịch của Thanh triều tại kinh thành Bắc Kinh, tức "Bắc Kinh kịch nghệ". Còn Hát Bộ của Việt Nam là hát diễn tương tự kinh kịch nhưng theo "Kinh điển kịch lệ". "Bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn. Vì vậy mới gọi là "hát Bộ", "diễn Bộ", "ra Bộ".
Dù vậy, những điểm tương đồng giữa Tuồng Việt Nam với kinh kịch Trung Quốc như hình tượng nhân vật, phục trang, vẽ mặt... nhưng nó lấp lánh bản sắc nhân văn của người dân Việt, sự mềm mại trong ứng xử của tâm hồn Việt Nam. Bản chất Tuồng còn nằm trong cả tài năng sáng tạo của các nghệ sĩ, ở hiện thực của xã hội Việt Nam, đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của mỗi con người Việt Nam.Dàn nhạc Tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ trong biểu diễn của diễn viên. Trong dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ: (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn); bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...) bộ gảy: (tam, tứ, nguyệt...).
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/flower.gif (http://diendanamnhac.vn) Âm nhạc và kỹ thuật hát trong nghệ thuật Tuồng truyền thống
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/DieuDienTuong_lon1.gif
Âm nhạc trong Tuồng đóng một vị trí vô cùng quan trọng, có sức thu hút kỳ lạ, thôi thúc mọi người đến xem hát. Dàn nhạc Tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ trong biểu diễn của diễn viên. Trong dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ: (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn); bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...) bộ gảy (tam, tứ, nguyệt...).
Nhạc trong Tuồng gồm 2 bộ phận chủ đạo: khí nhạc (dàn nhạc) và thanh nhạc. Số lượng nhạc cụ trong dàn nhạc tuồng không cố định về số lượng. Một dàn nhạc cổ thường gồm có: trống chầu, trống chiến - được mệnh danh là vị phó sư của dàn nhạc, kèn, thanh la. Về sau có thêm trống trận, trống cơm, trống bồng, trống lệnh, trống bản, đàn nhị, sáo, chập choã, não bạt… Hiện nay, tùy theo quan điểm thẩm âm của từng vùng, quy mô, số lượng nhạc cụ trong mỗi dàn nhạc cũng có điểm khác nhau.
Thanh nhạc trong Tuồng gồm 2 bộ phận: bộ phận có bài bản và không bài bản (làn điệu). Dạng có bài bản: có 3 loại, là những bài nhỏ - cho các vai phụ, vai hề gọi chung là “nồi niêu”; Bài thường - những bài bản trong tình huống bi thương, sầu oán; bài chính - gồm những bài dài hơn, phân theo các nhóm tính chất: trữ tình, hoành tráng, những bài dành cho các vai nữ với nét giai điệu mềm mại, những bài có tính chất vui tươi, ngân nga hoặc ngâm vịnh…
Dạng theo làn điệu là những điệu hát cơ bản và khá phổ biến, gồm những điệu chưa có khúc thức hoàn chỉnh. Tính chất co giãn và tương đối tự do của làn điệu là cơ sở cho phong cách ngẫu hứng của diễn viên. Dạng theo làn điệu có hai loại: loại không theo nhịp và loại theo nhịp. Loại không theo nhịp gồm có: (1) Nói lối - Kỹ thuật nói rất đặc thù và phổ biến nhất trong Tuồng. Các diễn viên rất chú trọng kỹ thuật này vì làn điệu phong phú, sâu sắc và tính tự do, phóng khoáng của nói lối. Có nhiều kiểu nói lối, lệ thuộc vào những hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau của nhân vật; (2) Xướng, là kỹ thuật hát nói (declamacion) rất đặc thù trong Tuồng, gồm nhiều loại lệ thuộc vào những hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau của nhân vật. Ở các kịch bản Tuồng cổ, có sự phân biệt rất rõ giữa ca và xướng. Nếu trong ca, giai điệu được dùng để diễn tả tình cảm thì trong xuớng, ngữ khí đóng một vai trò quan trọng. Xướng thường cất cao giọng, dựng hơi lên. Xướng thường dùng thể hiện những cảm xúc hùng tráng; (3) Thán: Gồm những làn điệu mang tính thất vọng, oán thán, than thở; (4) Bạch: Là những làn điệu chỉ dùng cho các vai nữ tướng, tính chất oai nghi, khí khái; (5) Oán: Những làn điệu tiết tấu chậm rãi, oán trách, uất ức; (6) Ngâm: Thể hiện những tâm trạng vui, buồn, giai điệu trải dài, mang tính ngâm ngợi; (7) Vịnh: Mang tính lãng mạn, phóng khoáng; (8) Sa mạc: Thường gặp trong các cảnh thể hiện cảm xúc trữ tình.
Loại theo nhịp gồm có: (1) Hát Khách, còn gọi là hát Bắc. Trong đó: 1.Hát Khách hành binh (để diễn tả tâm trạng nhân vật trước hoặc đang lúc ra quân); 2.Hát Khách đối thoại (dành cho 2 người); 3.Hát Khách tự sự: nhân vật thể hiện tâm trạng của chính mình; 4. Hát Khách tửu: Nhân vật đang uống rượu; 5.Khách tử: Nhân vật khi sắp chết; 6.Khách tẩu: Đang chạy, hoặc đang lúc khẩn trương ra trận; 7.Khách hồn: nhân vật là hồn ma hiện về; 8.Khách phú: Nhân vật là người quí phái, sang trọng. (2) Hát Nam. Có các loại: 1. Nam xuân: Tâm trạng vui tươi, sảng khoái; 2. Nam ai: Tâm trạng buồn bi lụy; 3. Nam xuân nữ: Ít thấy sử dụng trong các vở Tuồng cổ. Tâm trạng buồn nhưng không không bằng Nam ai.
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/A5.jpg
Về kỹ thuật hát, diễn viên hát Tuồng ngoài chất giọng bẩm sinh, cần phải học tập, rèn luyện lâu dài. Sân khấu Tuồng ngày trước thường hát ngoài trời nên cần có chất giọng vang to, ngân dài và khi tập cần phải sử dụng sức rất nhiều. Trong khi học cách phát âm, nhả chữ, họ phải luôn tuân thủ những luật hát rất nghiêm ngặt. Đây là tập hợp những kinh nghiệm, thói quen về ngữ âm, nhận thức thẩm mỹ về thanh nhạc trong nghệ thuật Tuồng của từng địa phương.
Diễn viên hát Tuồng phải phát âm chính xác các dấu, rõ tiếng, không bị biến âm, không nói ngọng. Vì vậy trước khi tập hát, các diễn viên thường tập nói, luyện ngữ âm, ngữ khí trong các kỹ thuật nói lối như một trong những phương thức nghệ thuật tinh tế nhằm biểu hiện cảm xúc của nhân vật đến với người thưởng ngoạn. Có thể xem đây như một trong những ngôn ngữ mang đậm yếu tố tượng trưng trong Tuồng. Ngoài ra, người học hát Tuồng luôn tuân thủ nguyên tắc: trống/mái (theo qui luật âm/dương trong Dịch).
Chính vì những đặc trưng nêu trên, không thể nghiên cứu nghệ thuật thanh nhạc trong Tuồng như phân tích kỹ thuật hát một ca khúc. Đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam là tính ngẫu hứng. Điều này cũng đã không ngoại lệ đối với Tuồng, vì vậy, cần nhìn phương diện thanh nhạc trong Tuồng “bằng cái nhìn đối với một lời nói sân khấu bằng thơ được âm nhạc hoá”.
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/flower.gif Tuồng truyền thống: Sự đa dạng trong dòng Tuồng Việt
Theo cuộc di chuyển của các cư dân, Tuồng cũng dịch chuyển đến từng vùng đất khác nhau, từ đó, hình thành nên những dòng Tuồng khác nhau. Tuồng ở mỗi vùng đất sẽ có những sự sáng tạo mới, phù hợp với mảnh đất ấy, và hòa hợp với lối sống tình cảm của cư dân bản địa. Hiện nay, biểu hiện rõ nhất từ kết quả của việc hình thành nên những dòng Tuồng khác nhau là Tuồng cung đình Huế; Tuồng Bình Định và Tuồng Quảng Nam.
Tuồng Bình Định được sống trên một mảnh đất có truyền thống thượng võ. Bởi vậy hát, múa và diễn trong Tuồng Bình Định, thể hiện cái chất võ thuật mạnh mẽ, hừng hực sức sống. Trên mảnh đất nuôi dưỡng nhiều chí sĩ của Quảng Nam – Đà Nẵng, dù là một vở Tuồng chiến đi nữa, cũng lung linh chút trữ tình. Tuồng ở đất Bắc – vùng Châu thổ sông Hồng, nơi chịu mọi sự giao lưu nhiều phương diện, có phong cách diễn nhẹ nhàng thanh thoát, dễ chịu nhưng thiếu đi chất đậm đà, sâu đậm chi li... Còn Tuồng ở Huế, đất cố đô vốn là nơi sông chẳng rộng, núi chẳng cao, êm đềm nhẹ nhàng tế nhị, với lối sống tình cảm ấm áp sâu nặng, và là chiếc cầu nối liền Bắc Nam. Do vậy mà nghệ thuật Tuồng chịu tác động của những nơi khác nhiều hơn, ảnh hưởng đến bản sắc biểu diễn: có cái nhẹ nhàng thanh thoát của Bắc, lại có cả cái sôi nổi sâu đậm của Nam.
Tuồng cung đình Huế: Khơi nguồn cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/tuongcungdinhhue.jpg
Nghệ thuật Tuồng (http://diendanamnhac.vn/forumdisplay.php?92-Tu%E1%BB%93ng-Ch%C3%A8o) cổ nói chung, Tuồng cung đình nói riêng, là Tuồng thầy, mẫu mực, được xây dựng với những mục đích cao đẹp, nên Học Bộ Đình (trường đào tạo diễn Tuồng ở cung đình) rất nghiêm khắc tuân thủ đủ nguyên tắc, bất kể đó là nghệ sĩ ở kinh đô, hoặc giả từ nơi khác đến. Đặc biệt nói và hát càng bị ràng buộc một cách khắc nghiệt hơn. Nói hát Tuồng cấm trại tức không được nói lẫn chữ, ví dụ chữ "lòng" sang chữ "nòng", chữ "tay" sang chữ "tai"; nói hát cấm bẹ là nói và hát không được lầm lẫn ba dấu nặng, hỏi, ngã; nói hát cấm thuật là phát âm ra không tròn vành rõ chữ.
Một trong những tiêu chuẩn hàng đầu mà người nghệ sĩ Tuồng cung đình phải có và phải nắm bắt cho được đó là nguyên tắc biểu diễn thanh sắc thục tinh khí thần. Tuồng cung đình vô cùng trau chuốt bài bản, mực thước trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó các nguyên tắc trại - bẹ - thuật làm cho Tuồng cung đình trở thành nơi thăng hoa của nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi giữ gìn và nâng niu sự trong sáng của tiếng Việt bởi nói chuẩn, hát chuẩn, đúng dấu, đúng từ, đúng chữ.Tuồng cung đình ra đời và phát triển qua các thời kỳ đã phản ánh sâu sắc mối quan hệ xung đột và đồng thuận giữa giai cấp thống trị và bị trị. Tuồng cổ gắn liền với chủ nghĩa quân quốc, đề cao việc giữ nước, sự mất còn của xã tắc và vận mệnh của chính những con người sống trong đó. Chủ đề nào của Tuồng cũng tôn vinh sự trung nghĩa, ngợi ca những hy sinh để bảo vệ nền tảng đạo đức kỷ cương phong kiến.
Nghệ thuật Tuồng cung đình Huế đã có những bước phát triển sớm từ thế kỷ XVII dưới triều đại các chúa Nguyễn. Nhà sư Thích Đại Sán, người Trung Quốc, được chúa Nguyễn Phúc Chu mời đến Huế năm 1695 đã không quên được ấn tượng của buổi xem Tuồng trong phủ chúa. J. Barrow trong tác phẩm "A Voyage to Cochinchine in the year 1792 – 1793" đã phác hoạ lại cảnh diễn Tuồng ở Đàng Trong thời Tây Sơn. Với nhiều vở Tuồng cổ cung đình lớn nhất, mẫu mực nhất như: Sơn Hậu, Hộ sanh đàn, Trầm hương các, Tam nữ đồ vương, Triệu Khánh Sanh, Dương Chấn Tử, Triệu Đình Long, Ngoại tổ dâng đầu, Diễn Võ đình... cùng với những bậc tài nhân được chính triều đình phong kiến Huế công nhận phong cho hàm Đội, hàm Chánh như Đội Tảo (cố NSND Nguyễn Nho Tuý), cố NSND Chánh Phẩm, cố NS Đội Hiệp, cố NS Chánh Ca Đựng, cố NS Chánh Ca Trạng... Tuồng trở thành một nghệ thuật cung đình kinh điển, được xem là quốc kịch thời bấy giờ.
Từ sau thời Tự Đức, tuồng Huế dần vượt ra khỏi cung đình và trở thành sân khấu của quần chúng bình dân. Nhiều người đã tự đứng ra lập gánh hát, nuôi "đào", "kép" riêng và ganh đua với nhau. Nghệ thuật tuồng từ đó sống và phát triển được nhờ công chúng.
Tại kinh đô Huế, các rạp hát bắt đầu mọc lên khắp nơi, sân khấu tuồng từ trước vốn có chỉ phục vụ vua quan triều đình, dàn dần lan ra chiếm lĩnh ở những nơi công cộng. Những rạp hát nổi tiếng ở Huế trước năm 1945: Bắc Hòa, Nam Hòa, Đồng Xuân Lâu, Kim Long, An Cựu, Vĩ Dạ, Bao Vinh...Tên tuổi những cô đào sắc vẹn toàn vẫn còn thời Khải Định như : cô Thuôi, cô Ba Lài, cô Bạch Trúc, cô Cầm, cô Cháu Em, cô Nghè Đồng, cô Ba Vĩnh...Hơn 50 rạp hát khắp Đông Dương bấy giờ vang dội tiếng hát, tiếng trống của sân khấu tuồng Huế.
Tuồng Bình Định: Đất võ - Đất tuồng
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/8_35_27_882008/images/tuongbinhdinh.jpg
Bình Định, nơi phát tích của phong trào nông dân Tây Sơn với tên tuổi của người anh hùng vĩ đại Quang Trung - Nguyễn Huệ, thường được gọi là "đất võ", nhưng bên cạnh đó cũng được mệnh danh là "đất tuồng". Bởi thế mới có câu: Hát bội làm tội người ta. Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con.
Tuồng ở Bình Định gọi là "hát bội" hay hát bộ sở dĩ nó có tên gọi như thế là vì ngoài việc hát thì yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một vở tuồng hay và đặc sắc là hành động điệu bộ của các đào kép. Việc kết hợp võ thuật vào các màng nhào lộn, đánh trận ở mỗi đoàn có khác nhau tùy theo trình độ của đào kép. Trước kia khi hát bội còn thịnh hành thì có nhiều đoàn hát nhưng những năm gần đây dưới sự biến động của kinh tế thị trường thì nhiều đoàn dần giải tán. Lúc còn thịnh hành các đoàn hát bội thường được các làng, những gia chủ giàu có hay các lăng, đình ven biển mời về biểu diễn.Sau những đoạn diễn hay người cầm chầu ném tiền thưởng lên sân khấu. Vì thế mới có câu "Ở đời có bốn cái ngu làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu" Thường thì sau đêm hát cuối cùng các đoàn hay hát màn "tôn vương" để chúc tụng gia chủ, làng xóm gặp nhiều may mắn và cuối màn "tôn vương" thì thường hát câu: "rày mừng hải yến Hà Thanh-nhân dân an lạc thái bình âu ca" hay "ngũ sắc tường vân khai bắc khuyết-nhất bôi thọ tửu chúc nam sang".
Theo Nghệ sĩ nhân dân Võ Sĩ Thừa, một cây đại thụ trong làng hát bội hiện nay của Bình Định và cả nước, hát bội bắt đầu xuất hiện ở Bình Định vào khoảng thế kỷ 17. Tiếp thu từ lối hát ả đào ở miền Bắc, kết hợp với cơ sở dân ca - dân vũ của mình, người Bình Định đã sáng tạo ra hát bội, làm cho nó thăng hoa, phát triển rực rỡ. Từ xưa, hầu như làng nào ở Bình Định cũng có gánh hát bội, có những lò đào tạo diễn viên hát bội ở những thôn, làng. Khi cụ Đào Tấn về trí sĩ ở quê nhà và lập nên Học Bộ Đình Vinh Thạnh (nay thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định), hát bội Bình Định càng trở nên hưng thịnh. Do cụ Đào Tấn đã tiếp thu được tinh hoa hát bội ở nhiều vùng nên Học Bộ Đình Vinh Thạnh đã trở thành đỉnh cao nhất trong các lò đào tạo những tài năng hát bội thời ấy. Từ Học Bộ Đình Vinh Thạnh, nhiều tên tuổi lớn trong nghề hát bội ra đời, như Bát Phàn, Cửu Khi, Bầu Thơm, Bầu Chạng… Kéo theo đó, phong trào hát bội đã phát triển rộng khắp trên khắp đất Bình Định và trở thành nét văn hóa đặc sắc của vùng đất này. Trải qua hàng trăm năm dâu bể, hát bội đã ngày càng cắm rễ trong đời sống tinh thần của người Bình Định.
Trong nghệ thuật hát bội, có 2 yếu tố cơ bản là hát và múa. Hát hay mà múa không đẹp thì không thể trở thành một nghệ sĩ hát bội đúng nghĩa. Mà muốn múa đẹp thì phải học võ. Nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn cho biết: "Các nghệ sĩ trong các gánh hát bội ở Bình Định xưa nếu chưa phải võ sĩ thì ít ra cũng là võ sinh, không luận nam hay nữ. Không có yếu tố võ thuật thì không gian và thời gian sân khấu hát bội không thể nới rộng đến mức có thể biểu hiện trực tiếp một cách sinh động."
Bây giờ ở Bình Định, ngoài nhà hát Tuồng Đào Tấn, còn có hàng chục gánh hát bội tự phát ở các vùng quê, nhất là ở 2 huyện An Nhơn và Phù Cát. Những gánh hát bội nghiệp dư ấy vẫn thường xuyên được mời biểu diễn ở các vùng quê. Diễn viên chỉ là những anh, chị nông dân chân lấm tay bùn, chưa từng qua một lớp đào tạo chính quy nào mà chủ yếu là được cha ông truyền lại và do đam mê nghệ thuật hát bội. Sau những đêm diễn ở đình làng hoặc ngoài gò, những "Quan Công", "Lữ Bố", "Điêu Thuyền"… lại trở về với con trâu, cái cày, với mảnh ruộng vườn rau, nhưng không vì thế mà họ từ bỏ niềm đam mê đối với hát bội.
Ở nhiều vùng quê Bình Định, hát bội vẫn còn rất hấp dẫn các bạn trẻ. Đêm nào có gánh hát bội về diễn ở đình làng, là nam thanh nữ tú rùng rùng kéo nhau đến xem, ngẩn ngơ theo từng điệu bộ của "Quan Công", "Lữ Bố"… và thầm mong một ngày nào đó mình sẽ được đứng trên sân khấu mà "ứ hự" vung gươm. Đáng tiếc, ở một số nơi khác, có không ít bạn trẻ dường như rất xa lạ với hát bội. Bởi hát bội khó hiểu, khó nghe một phần, và cũng bởi chính họ ít quan tâm đến một môn nghệ thuật truyền thống không phải chỉ là của riêng Bình Định.
Tuồng Quảng Nam
Tuồng Quảng Nam với nguồn gốc lịch sử và nghệ thuật tuồng riêng của đất Quảng, cũng đã góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam phát triển cho đến ngày nay.
Theo truyền thuyết lưu hành trong dân gian thì Tuồng Quảng Nam ra đời từ cái nôi của hai vùng Đức Giáo và Khánh Thọ (khoảng đầu thế kỷ 19). Các lão nghệ nhân ngày trước kể rằng: Ở vùng thượng lưu của sông Thu Bồn có một gánh tuồng hát rất hay tên là Mỹ Lưu. Vào mùa đông bão lụt dữ dội nọ, cơn lũ lớn ập vào làng và cuốn trôi mất chiếc trống con (trống chiến)- nhạc cụ chỉ huy của dàn nhạc tuồng xuôi về sông Cái, ra biển Cửa Đại. Khi gánh hát Mỹ Lưu dần tan rã thì vùng đất xuôi theo sông Thu Bồn lại nảy nở nghệ thuật tuồng như Đại Bình, Bàu Toa, Bảo An, Phong Thử, Hội An...
Cùng với câu chuyện có tính chất huyền thoại trên thì hai cứ liệu về Tuồng xứ Quảng về gánh hát làng Đức Giáo và Khánh Thọ di cư từ Bình Trị Thiên vào xứ Quảng là tương đối thuyết phục.
Hành trình trò bội-hát tuồng-nghệ thuật tuồng là một quá trình trải dài mấy trăm năm. Từ trò diễn xướng dân gian đến nghệ thuật cung đình, từ chiếu tuồng đến nghệ thuật sân khấu Tuồng là một quá trình vừa khai sáng, vừa tích lũy, vừa chọn lọc vừa bổ sung đối với các nghệ sỹ và nhân dân đất Quảng. Nghệ thuật Tuồng là một hình thức sinh hoạt gần gũi, phổ biến và được nhân dân địa phương hết sức ưa chuộng.
Ngày nay, ngoài nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), thỉnh thoảng, tuồng còn được biểu diễn ở một vài địa phương trong tỉnh như Hội An, Tiên Phước, Duy Xuyên...
Tuồng - một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam ẩn chứa những giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc, những giá trị nghệ thuật mang tính chất bền vững. Tuồng đã và sẽ còn là những người bạn tri âm, tri kỷ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Tuồng là sân khấu cổ truyền, cho dù ở đâu, ở vùng nào đi nữa thì sự bảo tồn phát triển phải trên cơ sở cội nguồn gốc rễ của nó. Tuồng không thể như nghệ thuật dân ca của các vùng miền: Dân ca Quan họ, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Huế Trị Thiên, dân ca Khu V, dân ca Nam Bộ.... Tuồng không những cần được gìn giữ ở hình thức cổ của nó mà còn phải được hiện đại hoá để đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện đại. Đó là con đường mà nghệ thuật tuồng đã và đang vươn tới, song để có được cách làm và hướng đi đúng, trước tình hình thực tế hiện nay, theo tôi nên có tiếng nói chung, nhằm định hướng rõ chứ không thể để tình trạng tuồng ở các miền phát triển tuỳ ý, đã vậy lại thường xuyên được cấp phát huy chương khen thưởng. Như thế là làm tổn hại đến nền nghệ thuật tuồng truyền thống. Vậy nên, việc quan trọng là định hướng bảo tồn phát triển tuồng ở vùng nào, miền nào thực sự có đủ tư chất, tư cách đại diện cho sân khấu tuồng truyền thống của dân tộc.
Cinet tổng hợp