PDA

View Full Version : Nghệ thuật thanh nhạc trong tuồng


sungeiway
14-06-2012, 09:01 AM
Nghệ thuật thanh nhạc trong tuồng


<table align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="210"> <tbody><tr> <td align="center" valign="top"> http://www.giaidieuxanh.vn/Image/15/images662123_TuongHue1.jpg </td> </tr> <tr> <td align="center" valign="top">

</td> </tr> </tbody></table> www.diendanamnhac.vn (http://www.diendanamnhac.vn) - Nhạc sĩ Văn Minh HươngNhạc sĩ Văn Minh Hương là một nhà giáo, nhà lý luận âm nhạc, cô đã có nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân gian, dân tộc. Cô hiện là phó giám đốc Nhạc viện Tp.HCM.

Được sự đồng ý của Văn Minh Hương, Giai Điệu Xanh trích đăng một phần tham luận của cô về vấn đề Nghệ thuật thanh nhạc trong tuồng - tham luận mà cô đã đọc tại "Hội thảo & trao đổi quốc tế về giáo dục âm nhạc châu Á" (tại Seoul, Hàn Quốc - từ 16/6 đến 19/6/2005).

I. Giới thiệu nghệ thuật hát tuồng

1. Tuồng Việt Nam - Mô hình nghệ thuật cổ truyền trong đời sống hiện đại

Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống mang tính tổng hợp. Ngoài kịch, trong tuồng còn có sự hiện diện của các yếu tố khác như: âm nhạc, thơ, văn, múa, trò diễn…

Tuồng có lịch sử phát triển khá lâu đời. Hình thức trò diễn tạp kỹ vào thời Lý được cho là hình thức sơ khai nhất của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Tuồng được các sử gia và những nhà nghiên cứu sân khấu truyền thống xác định đã hiện diện trong các sinh hoạt vui chơi, giải trí ở cung đình Việt Nam vào thế kỷ thứ 13 (đời Trần), phát triển rực rỡ nhất vào thế kỷ thứ 19 (triều Nguyễn). Đào Duy Từ là người có công trong xây dựng và phát triển nghệ thuật tuồng thời Nguyễn. Ngày nay, ông được các nghệ nhân, các đoàn tuồng ở Việt Nam phong là ông tổ của nghệ thuật tuồng Việt Nam.

Có nhiều thể loại và phong cách tuồng. Nếu phân loại theo mốc thời gian, có 3 loại: tuồng cổ, tuồng cận đại, tuồng hiện đại. Nếu phân loại theo tính chất, nội dung kịch bản thì ngoài tuồng cổ [1] và tuồng cung đình [2] - đuợc xem là những loại tuồng mang tính bác học/kinh điển - còn có tuồng văn thân [3], tuồng đồ [4], tuồng tân thời [5], tuồng tiểu thuyết [6] tuồng dân gian [7], tuồng hiện đại [8], tuồng lịch sử…

Ngày nay, tuồng vẫn đang tồn tại, phát triển với nhiều phong cách, truyền thống khác nhau, chủ yếu tập trung theo khu vực của từng vùng, miền, tiêu biểu với các phong cách: tuồng Bắc [9], hát bội miền Trung [10], hát bội miền Nam [11]. Ngoài các nhà hát tuồng mang phong cách hát, biểu diễn chuyên nghiệp, hiện nay việc tìm hiểu, thưởng thức các vở tuồng cổ tại một số địa phương, thành phố ở Việt Nam đang có khuynh hướng phát triển trở lại.

2. Tư duy và hình tượng trong tuồng

Qua những sự kiện những chi tiết kịch, các vở tuồng thường đề cao tư tưởng trung quân, chính nghĩa, lòng yêu nước theo tư tưởng Nho giáo. Hình tượng của các tuyến nhân vật trung tâm: thiện - ác; trung - nịnh… được khắc hoạ rất cụ thể, thể hiện quan điểm, lòng yêu ghét rất rõ ràng.

Kịch bản và kết cấu nội dung trong tuồng hầu hết dựa trên cơ sở của các thể văn vần, văn xuôi. Yếu tố trữ tình, ngôn ngữ hình tượng được đặc biệt chú trọng nhằm thể hiện tâm trạng của nhân vật, những xung đột, mâu thuẫn nội tâm hoặc dùng để diễn tả hành động, dẫn dắt hành động… tạo nên một phong cách rất riêng trong nghệ thuật tuồng.

3. Yếu tố Dịch trong tuồng: Khái niệm âm/dương, tĩnh/động

Nghệ thuật sân khấu tự phát trong dân gian phục vụ mục đích giải trí, tạo sự phấn khích tinh thần, truyền đạt kinh nghiệm sống, hoặc giáo dục cho cộng đồng, cho thế hệ nối tiếp những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống. Tùy thuộc vào nhu cầu, quan niệm của từng dân tộc, đó có thể là những bản trường ca, truyện thơ… Các nước ảnh hưởng Nho giáo với các quan niệm tam cương [12], ngũ thường [13] của Trung Quốc, với những âm hưởng của Kinh Dịch [14] (âm/dương đối lập, cái toàn thể [15], cái nội tại ; yếu tố ngũ hành [16], quan niệm tĩnh và động …).

Sân khấu và các tiểu thuyết chương hồi du nhập vào Trung Quốc mang nét phóng khoáng được các nhà Nho nâng lên tầm kinh điển nhằm giáo dục lý tưởng của người quân tử, các quan hệ vua/tôi, chồng/vợ, cách đối nhân xử thế… Kịch bản có thể theo các nguyên lý âm/dương, động/tĩnh, ác/thiện, phục/phản … từ đó đi dần vào mẫu mực thể hiện qua động tác, nhạc, hát…cho mỗi nhân vật, mỗi tình huống xung đột. Cách biểu hiện càng điêu luyện, càng tinh tế gây hiệu quả thẩm mỹ càng cao. Có những hình tượng, tình huống không có trong đời thật được cách điệu hoá, ước lệ hoá, nâng lên tầm nghệ thuật.

Quan niệm động, tĩnh ở mỗi thời đại khác nhau. Tuồng Việt Nam nhìn bề ngoài, nặng về các yếu tố động hơn tĩnh [17] nhưng ở bên trong đó là những nguyên lý tĩnh, thể hiện ở những dạng trạng thái tâm lý: tĩnh tại, thư thái, cân bằng, hiền hoà và bình ổn...

(Còn tiếp)
Văn Minh Hương
[1] Thường thấy ở dòng tuồng cung đình. Nội dung dựa theo tích truyện cổ của Trung Quốc hoặc đề cao các giá trị đạo đức, tình nghĩa trong cuộc sống, thường có liên quan đến chốn cung đình.

[2] Các vở tuồng mang tính chuyên nghiệp, bác học phục vụ trong chốn cung đình ngày trước. Tuồng cổ và tuồng cung đình được gọi chung là tuồng thầy.

[3] Tuồng có nội dung đề cao tinh thần yêu nước chống ngoại xâm những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

[4] Tuồng mang tính bi, hài.

[5] Tuồng xuất hiện vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Lúc văn hoá Pháp đã du nhập vào Việt Nam. Nội dung và chủ đề đi vào cuộc sống thực tại. (Theo Hoàng Châu Ký trong: Sơ khảo lịch sử nghệ thuật Tuồng, trang 154. Nhà xuất bản Văn hoá, 1973)

[6] Còn gọi là tuồng Xuân nữ vì thường hát theo hơi Xuân nữ. Nội dung phỏng theo những tiểu thuyết lãng mạn đượng thời (những năm 30, 40 thế kỷ XX).

[7] Tuồng bán chuyên nghiệp hoặc không chuyên, phổ biến trong sinh hoạt, giải trí đời thường của người dân vùng nông thôn, vùng ven.

[8] Tuồng có nội dung và phong cách hiện đại.

[9] Nhà hát tuồng Trung ương, nhà hát tuồng Hà Nội.

[10] Nhà hát tuồng cung đình (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ở Đà Nẵng; nhà hát tuồng Đào Tấn (Đào Tấn:1845-1957): nhà thơ, nhà soạn tuồng, được phong là ông tổ của tuồng Việt Nam ở Bình Định.

[11] Nhà hát tuồng Tp.HCM. (Người miền Nam và miền Trung gọi tuồng là hát bội)

[12] Tam cương : Quân/thần; Phu/phụ, Phụ/tử…

[13] Ngũ thường : Nhân-nghĩa-lễ-trí-tín

[14] Kinh Dịch: Kinh Dịch được xếp vào Ngũ kinh (Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Kinh Dịch) - trước đây khi còn Kinh Nhạc được gọi là Lục kinh, nhưng sau khi Kinh Nhạc bị thất lạc - một trong những bộ kinh chính thống của Nho giáo, chuyên về vũ trụ luận.

[15] Cái toàn thể trong Kinh Dịch gọi là Thái Cực: (Xem trang 43, Mịch Quang. Kinh Dịch và nghệ thuật truyền thống.

[16] Kim-mộc-thủy-hỏa-thổ

[17] Khác với kịch Noh của Nhật Bản, yếu tố tĩnh chiếm lĩnh toàn bộ sân khấu và tạo ấn tượng qua tiết tấu và diễn tiến kịch nhưng thật ra ẩn chứa bên trong lại là những động lực mang tính kịch mạnh mẽ.

Nguồn : www.giaidieuxanh.vn (http://www.giaidieuxanh.vn)