Khai thác năng lượng xanh - hướng đi bền vững phát triển kinh tế
Xu hướng đầu tư và khai thác sử dụng năng lượng tái tạo hướng tới nền kinh tế tăng trưởng bền vững đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện.
Tại Việt Nam, nhiều dự án đầu tư về năng lượng tái tạo đang được triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn khi chúng ta còn lệ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch, trong khi nhu cầu sản xuất và phát triển ngày càng đòi hỏi nguồn cung năng lượng cao hơn hiện tại nhiều lần.
Phát triển năng lượng xanh – xu hướng tất yếu
Hồi đầu tháng, phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, để phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp và đảm bảo an ninh năng lượng, tới năm 2020 Việt Nam cần 60.000MW, năm 2025 cần 90.000MW, năm 2030 cần 130.000MW. Như vậy, trong vòng hơn 10 năm nữa, sản lượng điện đòi hỏi phải tăng hơn 3 lần so với hiện nay. Trong khi đó, theo nhận định của ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC - thì “nguồn điện cho hệ thống điện hiện nay của Việt Nam chủ yếu dựa vào thủy điện và nhiệt điện than, năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng rất nhỏ”. Đồng thời, ông Thành cũng đưa ra các số liệu về cơ cấu nguồn điện của Việt Nam để chứng minh: Trong khi thủy điện chiếm 16.132MW, nhiệt điện than chiếm 13.983MW thì các nguồn cung cấp điện khác như nhiệt điện dầu, nhiệt điện khí, thủy điện nhỏ… đều thấp hơn rất nhiều lần.
Nguyên nhân, theo đánh giá của ông Kyle Lelhofer - Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia - Công ty Tài chính Quốc tế IFC, không chỉ với riêng Việt Nam mà tại nhiều quốc gia đang phát triển khác, “năng lượng tái tạo (đặc biệt là gió và mặt trời) vẫn được xem là đắt đỏ khi so sánh với các nguyên liệu hóa thạch. Song song với đó, các tổ chức cho vay địa phương không biết (hoặc chưa biết) làm thế nào để thẩm định năng lượng tái tạo và các dự án hiệu quả năng lượng, do đó đã dẫn tới định giá sai lệch các rủi ro”.
Tại Hội thảo “Năng lượng xanh và phát triển kinh tế bền vững” diễn ra hôm 11.1 vừa qua, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: “Nhu cầu năng lượng cho phát triển ngày càng tăng cao, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn cho ngành năng lượng trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp. Các nguồn nhiên liệu hóa thạch đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước; tuy nhiên đó lại là nguồn năng lượng không tái tạo. Đồng thời, các nguồn nhiên liệu hoá thạch đang dần dần cạn kiệt; vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo là một nhu cầu tất yếu”.
Đầu tư cho tương lai
Thế nhưng, báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng lại cho thấy, trong điều kiện hiện tại, chúng ta khó mong có sự đột biến về cơ cấu nguồn năng lượng. Ông Vượng cho hay “Sự chuyển dịch sang năng lượng hóa thạch đã và đang là nguyên nhân quan trọng cho việc tăng phát thải khí nhà kính… Tốc độ tăng trưởng của than, sản phẩm dầu và thủy điện trong cùng kỳ lần lượt là 12,2%, 6,2%, 27,6%. Những động lực chính cho tăng trưởng tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam được nhận dạng là tăng trưởng công nghiệp, sử dụng năng lượng dân dụng và mức độ cơ giới hóa giao thông”.
Từ đó, định hướng phát triển ngành năng lượng Việt Nam được xác định “Ưu tiên khai thác than cho mục đích sản xuất điện, khoảng 80% sản lượng than trong nước dành cho phát điện; Tăng cường tìm kiếm thăm dò để tăng trữ lượng và đưa vào khai thác khí đốt, 80% sản lượng khí đốt dùng cho sản xuất điện; Thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện…”.
Chia sẻ quan điểm của mình, cựu Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry - Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie - nhận định than đá là nguồn năng lượng tiêu cực, là nguồn nhiên liệu bẩn nhất cho môi trường và là nguyên nhân trực tiếp gây nên hiệu ứng nhà kính.
Vì thế, với điều kiện như Việt Nam hiện nay, ông Kerry cho rằng “Việt Nam đang trong vị thế tuyệt vời để có những lựa chọn thông minh hơn nếu lựa chọn năng lượng xanh như điện mặt trời hay điện gió... Than đá không rẻ hơn so với các loại năng lượng khác vì chi phí cho nó rất cao như chi phí về giao thông vận tải, chi phí khai thác, bệnh tật, ô nhiễm môi trường do việc khai thác sử dụng loại năng lượng này gây ra. Việc đầu tư cho năng lượng xanh chính là việc đầu tư cho tương lai” - ông Kerry kết luận.
DUY THIÊN
Tập đoàn quốc tế INGETEAM
Thiết bị năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới
www.ingeteam.com
Văn phòng đại diện Ingeteam Việt Nam
Địa chỉ: 671 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội
Số điện thoại: 024 6658 8500
Ingeteam fanpage:
https://www.facebook.com/ingeteamvietnam/
Ingeteam Việt Nam là chi nhánh của tập đoàn điện lực quốc tế Ingeteam chuyên về công nghệ liên quan đến điện.
Lĩnh vực của tập đoàn Ingeteam: tàu thủy, tàu điện, nhà máy công nghiệp, đặc biệt là năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối.
Ingeteam là một công ty công nghệ tiên tiến, chuyên thiết kế các thiết bị điện tử điều khiển, điện, động cơ điện, máy phát, kỹ thuật điện và điện nhà máy.
Ingeteam luôn luôn tìm cách tối ưu hóa vấn sự tiêu thụ và tối đa hoá sự sản xuất năng lượng.