Nhạc sĩ Thanh Tùng và mối tình với cô gái chân dài 20 tuổi
"Tôi đang yêu đơn phương. Chúng tôi đã dừng lại cuộc tình này. Vì một lý do hết sức đau buồn: tuổi tác",
nhạc sĩ Thanh Tùng nói về tình yêu đơn phương của mình
Trong những năm gần đây, khi còn nằm trên giường bệnh, trong những cơn trầm uất tôi đã nghĩ sẽ không bao giờ đời mình còn có tình yêu. Làm sao yêu được chứ?
Theo đạo lý, tôi đã quá già để yêu. Và để vượt qua “đạo lý” ấy, tôi như chịu sự khổ hạnh để có thể có được tình yêu. Giờ nghĩ lại, tôi mới thấy chính nỗi tuyệt vọng đã tiêu diệt sức sống của mình.
Những lúc đó, tôi không thể sáng tác vì tôi quá đau khổ. Điều này thật ngược, đúng không, thường người ta đau khổ nên người ta sẽ viết. Với tôi, làm điều đó thì ích kỷ quá. Không lẽ mình lại chia sẻ nỗi đau đớn này cho mọi người. Không, nếu chia sẻ, tôi chỉ muốn chia niềm vui.
“Cơn bão nghiêng đêm” là một bài thơ của Tế Hanh, sau này tôi mới biết. Lúc cô bạn học đưa lại cho tôi tập sách mượn, mở ra, tôi thấy một tờ giấy vở được cắt vuông thật đẹp, trên đó đề những dòng thơ:
“Cơn bão nghiêng đêm, cây gãy, cành bay lá
Anh nắm tay em qua đường cho khỏi ngã
Cơn bão tan rồi, hàng cây xanh thắm lại
Nhưng anh cũng xa rồi, cơn bão lòng em thổi mãi”
Kinh không, thơ viết thế mới gọi là thơ, sợ thế!
Anh nhận bài thơ và cảm thấy làm sao?
Có lẽ đó là một bài thơ trách móc. Vì trước đó, chúng tôi cùng sinh hoạt chung trong Ban văn nghệ trường Chu Văn An, tôi học lớp 10, cô ấy học lớp 9. Mà tôi thì không dám nói gì với cô ấy, cho đến khi cô ấy gửi cho tôi bài thơ. Bài thơ ấy, sau 41 năm tôi mới đủ bản lĩnh để phổ nhạc. Và đó là bài thơ tình đầu tiên mà tôi phổ nhạc.
Anh đang yêu một cô gái 20 tuổi, chân dài và rất đẹp?
Tôi không nhớ rõ đã gặp cô ấy chính xác ngày giờ nào. Đó là một buổi họp mặt bạn bè. Cô ấy là người quen của một người bạn trong bàn tiệc. Khi cô ấy đến, tôi giật mình, bởi cô ấy có gương mặt rất giống con gái út tôi. Tôi bắt đầu để ý đến em, bởi vì em quá thánh thiện, quá trẻ trung. Rồi từ đó tâm tưởng của tôi cứ mang mang hình bóng em. Cho đến khi tôi với em trở thành hai người bạn.
Tôi đã viết : “Biết không là lần đầu tiên, lòng vẫn mong đây là tình yêu cuối cùng” – Bài hát “Lời chim đỗ quyên”, sáng tác mới nhất mà Mỹ Hạnh đã hát trong chương trình “Con đường âm nhạc”.
Và cả bài “Cơn bão nghiêng đêm” cũng là viết cho em. Ở đó, tôi viết cho tôi thế này “Nhưng em đã xa rồi, cơn bão lòng anh thổi mãi”. Một bài hát nữa dành cho em “Từ ngày quen em, tôi thật là vui, tôi vui như thể tôi chẳng là tôi. Từ ngày xa em, tôi thật là buồn, tôi buồn như thể tôi chính là tôi” – Bài “Đếm lá ngoài sân”.
Có nghĩa là anh buồn nhiều hơn vui?
Chính tình yêu là nguyên nhân của mọi nỗi buồn khổ trong đời tôi. Thật sự là tôi đã từng kinh doanh và thất bại. Nhưng thất bại trong kinh doanh lại làm tôi vui mới lạ. Vui vì được thoát khỏi cái việc mình phải cố làm. Còn nếu thất bại trong tình yêu thì tôi buồn lắm và tôi sống thường trực trong nỗi cô độc vì tình yêu. Nói cô độc thì hơi quá, tôi là người luôn cô đơn thì đúng hơn.
Thường người ta yêu đơn phương thì mới cô đơn chứ anh?
Thì tôi cũng đang yêu đơn phương đây. Chúng tôi đã dừng lại cuộc tình này. Vì một lý do hết sức đau buồn: tuổi tác. Chúng tôi không vượt qua nổi thời gian, mặc dù cố tạo ra một không gian sống cho tình yêu. Nhưng cho dù thế nào tôi vẫn ngàn lời cám ơn em, vì chính em đã cho tôi biết rằng: hóa ra trái tim tôi vẫn còn có thể yêu. Tôi vẫn có thể có tình yêu.
Có thể nhờ sự cô đơn thường trực mà ông đã sáng tác “Một mình” – bài hát trở thành một trong những tác phẩm “để đời” của ông?
Nói về nỗi cô đơn. Trước hết phải là người biết yêu mới thật sự cảm nhận được nỗi cô đơn trong lòng mình. Nhưng sự cô đơn sống động lại là sự sống. Còn có những sự cô đơn nghĩa là tự làm mình rơi vào sự lãng quên, vào cô lập, thì điều đó lại dễ dẫn đến cái chết.
Tôi lại là một người cô đơn sống động vì tôi được nhiều người chia sẻ nỗi cô đơn này qua bài hát “Một mình” và cả nhiều bài hát khác. Điều này vô cùng ý nghĩa với tôi.
Không hẳn có một người phụ nữ bên cạnh là bạn hết cô đơn. Với một người nghệ sĩ sống lãng mạn như tôi thì đôi khi càng sống bên cạnh nhau lại càng cảm thấy cô đơn.
Nghĩa là cô gái hai mươi tuổi ấy cũng đã đem lại cho ông sự cô đơn?
Người không biết vui, không biết buồn là kẻ vô hồn, vậy mà có lúc tôi đã lựa chọn cuộc sống như vậy. Chính cô ấy đã kéo tâm hồn tôi dậy, nhắc nhở cho tôi biết rằng hình như con tim của tôi vẫn còn biết yêu. Tôi đã viết một bài hát và chưa công bố, đó là bài “Mong manh như sợi chỉ mành”.
Đó là tình yêu của tôi “Mong manh như sợi chỉ mành – treo ngược trái tim tôi đó – Bao giờ trái tim rơi vỡ – Mong manh cuộc tình của tôi”. Sau khi viết bài hát này, cũng như sự tình cờ lúc gặp, chúng tôi lại tình cờ chia tay. Vì cô ấy còn quá trẻ cho nên tình yêu của tôi càng mong manh.
Dường như ông đã chấp nhận điều này: ông không còn trẻ nữa, còn cô ấy lại quá trẻ. Nhưng thưa nhạc sĩ Thanh Tùng, ở tuổi gần lục tuần thì người ta yêu một cô gái hai mươi như thế nào?
Một câu hỏi hay. Tất nhiên ở tuổi này tôi không thể yêu như một chàng trai trẻ 25 được. Tôi đi tìm một vẻ đẹp thuần khiết, trong sáng và giản dị. Nếu một người đàn ông từng trải bị tiếng sét ái tình thì chính là vì người con gái ấy quá ngây thơ. Không người đàn ông từng trải nào mà không chết bởi sự ngây thơ và giản dị của người con gái.
Và một câu hỏi nữa, cũng về tình yêu, theo ông, tình yêu đẹp nhất là nhờ vào yếu tố nào: nhan sắc hay tiền bạc?
Tình yêu đúng nghĩa không có cả hai thứ đó, hoặc chỉ là thứ phụ. Thuộc tính đẹp nhất của tình yêu chính là LÒNG TIN. Tình yêu chứa đựng nhiều cái đẹp. Nhưng với riêng tôi, lòng tin làm cho tình yêu có vẻ đẹp ngời sáng. Và chỉ có tình yêu đẹp mới cho chúng ta hưởng trọn dư vị ngọt ngào nhất của tình yêu.
Theo Tiền Phong