“Thị trường âm nhạc” – một cụm từ chẳng còn xa lạ gì với những ai đang quan tâm tới sự phát triển của đời sống âm nhạc trong cả nước. Như món ăn tinh thần không thể thiếu, âm nhạc đã có hấp lực đặc biệt tới nhiều thành phần trong xa hội. Từ đó khơi lên nhiều hình thái, sự thay đổi, cũng như biến tướng trong các hoạt động âm nhạc. Như một sự tất yếu để tìm đường hòa nhập vào thế giới rộng lớn bên ngoài, tự thân đời sống âm nhạc hình thành một môi trường mà trong đó âm nhạc trở thành sản phẩm kinh doanh – mà chúng ta vẫn hay nói là “thị trường âm nhạc”.
Tuy nhiên, bắt đầu từ đây xuất hiện vấn đề không ngừng được các nhà chuyên môn, những người trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào việc tạo ra các sản phẩm âm nhạc ấy trăn trở vậy “thị trường” sẽ quyết định số phận của các tác phẩm như thế nào? Chất lượng nghệ thuật sẽ đi về đâu? Còn ở góc độ của người nghe thì họ sẽ băn khoăn nhiều về “cái giá” họ sẽ trả để được thưởng thức một bài hát, một đêm nhạc, hay một liveshow…?
Có công thức cho âm nhạc?
Với một tác phẩm nghệ thuật thì không ai có thể định cho nó một giá trị “cứng nhắc” nào đó. Bởi mỗi đối tượng khi tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật đó sẽ có cách cảm thụ, đánh giá dựa trên năng lực của bản thân. Do đó, mà từ chính trong đối tượng thưởng thức bắt đầu làm nảy sinh nhiều câu hỏi cho người làm ra sản phẩm âm nhạc hướng tới. Tức khu biệt đối tượng khán giả, tìm cho mình một lượng khán giả phù hợp. Vậy công thức đầu tiên dễ dàng nhận thấy chính là “tìm ra sự phù hợp”!
Trường hợp khá thành công chính là ca sĩ Hồ Ngọc Hà, cô đã tạo dựng hình ảnh ca sĩ “thời trang” tức tạo ra tính giải trí cao nhất. Khán giả không chỉ nghe được những ca khúc mình yêu thích, mà còn được thưởng thức các khía cạnh khác về thời trang, phong cách trang điểm,…Hồ Ngọc Hà đã tự chọn cho mình đối tượng khán giả riêng bằng chính dòng nhạc có tiết tấu. Qua vol4 Khi ta yêu nhau, The First Single,…Hồ Ngọc Hà đã thành công với dòng nhạc này. Bên cạnh đó, rẽ theo một hướng khác chính là hai gương mặt khá nổi bật Đoan Trang và Thu Minh.
Từ chính thế mạnh sẵn có, Đoan Trang thì chọn dòng nhạc Latin với tính chất nổi bật là sự nóng bỏng, quyến rũ và có phần cá tính. Còn Thu Minh thì chọn dòng nhạc Dance có hơi hướng sôi động, sôi nổi và phù hợp trong các vũ trường, quán bar. Điểm thành công của cả 3 ca sĩ này chính là biết chọn sự phù hợp trước hết cho giọng hát, phong cách của mình và thứ hai là khu biệt mình trong một thể loại nhất định.
Tuy nhiên ở Việt Nam, một động thái rất dễ dàng nhận thấy ở ca sĩ chính là “thăm dò”. Ngay album đầu tay, có khi là album thứ 2, họ vẫn muốn đưa ra nhiều lựa chọn cho khán giả. Nhưng ẩn hiện đằng sau vẫn là một mặt trái! Vậy thì làm sao chúng ta biết được đâu là lượng khán giả yêu thích đích thực? Vậy thêm một công thức nữa cần phải chọn chính là “bản lĩnh nghệ thuật”.
Nhiều người sẽ cho rằng từ “bản lĩnh” ở đây mơ hồ. Nhưng nó cũng không quá khó để hiểu. Phải chăng người ca sĩ cũng cần chủ động đưa cho khán giả một thực đơn để lựa chọn. Ca sĩ có quyền thể hiện cái tôi cá tính của mình. Điều đó sẽ thuyết phục được khán giả ở điểm “riêng” mà thời buổi này cái “giống nhau” thì nhan nhản. Chính những yếu tố khác biệt sẽ giúp họ sống sót, tồn tại để có thể cạnh tranh với những ca sĩ khác. Cuộc chiến ở đây chính là sự sáng tạo không ngừng, tìm ra nét khác biệt nhất có thể.
Và trong đó, bản lĩnh nghệ thuật góp phần tạo ra sự khác biệt đó. Đơn giản hóa một tí nữa là cần sự yêu nghề, đam mê và cả một cái “tâm” đúng nghĩa! Tuy nhiên, ngay ở thời điểm hiện tại, khán giả gần như không tìm thấy được sự bứt phá nào đáng kể của những gương mặt mới. Chính “thị trường” đang giật dây thị trường âm nhạc chứ không là nhu cầu nâng cao chất lượng nghệ thuật.
Quá “nương” theo thị trường!
Không có cầu thì khó mà có cung, khán giả thích nghe gì thì tôi hát cái đó. Nếu nhìn trên một tổng thể quá trình phát triển của đời sống âm nhạc. Thì giai đoạn khoảng 3 năm trở lại đây chúng ta có những “bước lùi”. Người nghe – khán giả - fan đã ảnh hưởng quá sâu vào âm nhạc, đặc biệt ở khía cạnh nghệ thuật. Điều thấy rõ nhất chính là sự trở lại của cái “cũ”. Những dòng nhạc xưa trở lại một cách tự nhiên đến nỗi khiến người nghe không một chút hoài nghi về những cái mới trong hiện tại có thực sự mới?
Mặt tích cực từ sự đa dạng của nhu cầu khán giả là sự kích thích các ca sĩ, những người tham gia vào các hoạt động âm nhạc tìm tòi sáng tạo liên tục. Nhưng cũng đã xuất hiện hệ lụy, đó chính là sự bùng nổ của dòng nhạc teen khi khán giả teen đang chiếm số lượng lớn nhất trong trong tất cả các đối tượng khán giả “hành động”.Sự dễ dãi trong ca từ, hiện tượng “cưa sừng làm nghé”, gượng ép tạo ra hình ảnh không phù hợp đang làm khán giả nhàm chán.
Khi nhìn lại, thì vẫn chưa có ca sĩ trẻ nào đủ năng lực thuyết phục khán giả tin tưởng rằng đây sẽ là một gương mặt sáng giá trong tương lai. Kéo theo sự chi phối của “thị trường” mà hình thái, cách xây dựng hình ảnh ca sĩ hôm nay rất khác ngày hôm qua. Có khi ca sĩ chỉ cần thành danh trong đôi ba năm, chỉ cần có một bài Hit,…là có thể được khán giả công nhận thành công. Nhưng bên cạnh hình thái ca sĩ kiểu như vậy, thì vẫn rất cần những sự phát triển bền vững, tạo nền tảng cho con đường mới. Yếu tố giai đoạn và chiến lược lâu dài luôn rất cần cho sự phát triển của âm nhạc.
Thay lời kết
Như vậy “thị trường âm nhạc” không thể thiếu các yếu tố cấu thành nên nó. Ca sĩ hay dù bất kì ai cũng cần có khán giả, và đối tượng của mình để có thể kiểm chứng các sản phẩm của mình. Nhưng không có nghĩa là thị trường sẽ là thước đo duy nhất giá trị nghệ thuật các tác phẩm, và năng lực của một ca sĩ. Vì chúng ta vẫn còn ở thế “bị động” để thị trường dẫn dắt. Chúng ta dường như chưa tạo được các sản phẩm có tính đoán đầu, dự báo, mở đầu.
Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều tia sáng để khán giả trông đợi cho những ngày tiếp theo của đời sống âm nhạc.