Tác giả : MARTY McCANN (Kỹ sư trưởng tập đoàn PEAVEY).
Lược dịch : Vũ Bảo.
Trong mục này, tôi sẽ bàn về Micro và ứng dụng của nó khi kết hợp với ban nhạc sống. Thực ra, những cách dùng micro ngày nay đơn giản là bởi vì người này bắt chước người kia và rồi cũng làm như vậy. Có nhiều ban nhạc dùng micro cho ampli guitar bằng cách luồn dây micro xuyên qua tay cầm rồi treo micro trước loa. Cách này có thể mang lại vài kết quả thích hợp trong vài thường hợp, nhưng họ đã không thật sự sử dụng đúng và hết các thuộc tính ( chức năng) của micro. Tuy nhiên, có nhiều người thích chĩa micro thẳng vào mũi loa; bằng kỹ thuật này, hầu hết những tính năng của micro đã được sử dụng nhưng vẫn còn một ít bí mật và kinh nghiệm nữa sẽ giúp cho bạn sử dụng được một cách hoàn hảo micro trong ứng dụng này (chúng tôi sẽ bàn lại vấn đề này ở phần dưới – phần sử dụng micro cho Guitar Ampli).
Một vài người trong chúng ta, sau khi tham dự một số buổi hội thảo về thu âm, có thể sẽ cố gắng bắt chước cách mà các kỹ sư thu âm đã sử dụng trong suốt cuộc hội thảo đó. Một số sẽ thành công với cách bắt chước đó trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, một điều chúng ta phải nhìn nhận rằng một buổi biểu diễn nhạc sống thì không bao giờ có những điều kiện hoàn chỉnh như trong phòng thu âm, nơi có độ vang âm thanh là lý tưởng cộng với môi trường cách âm, và mỗi micro lại được thu bằng một track riêng….
Vì vậy, khi chúng ta dùng micro trên sân khấu nhạc sống, bởi sân khấu không có những điều kiện lý tưởng như được tạo ra cho phòng thu mà luôn luôn thấp hơn tiêu chuẩn; lại không thể thu âm từng micro hay nhạc cụ một vào từng track thâu âm riêng để rồi sau đó có thể cân chỉnh lại nên chúng ta phải cố gắng phân tách từng micro ra từng khu vực riêng biệt bằng cách : chúng ta phải phân tách hoặc cách âm giữa nhạc cụ với nhạc cụ, nhạc cụ với tiếng nói, giữa tiếng nói với tiếng nói ở chùng mực có thể thực hiện được. Để mỗi micro bắt được tín hiệu cần bắt và giảm thiểu những tín hiệu không cần hay tiếng ồn nền, chúng ta phải đặt micro gần nguồn âm thanh mà ta cần micro bắt. Chúng ta không được để micro bắt âm thanh từ nhạc cụ mà lẽ ra nó không có nhiệm vụ bắt, cũng như không nhận âm thanh từ nguồn âm thanh của loa kiểm tra (loa monitor). Như vậy có nghĩa là nếu bạn đánh dấu micro này là micro “piano”, để rồi sau đó bạn không đặt nó đủ gần để bắt tiếng Piano, thì sau đó bạn sẽ có được những âm thanh khác bên cạnh piano.
Bạn có bao giờ nghe về khái niệm "càng có ít, ta lại càng được hưởng nhiều " ? Sử dụng micro trên sân khấu là một ví dụ rất cụ thể về vấn đề này. Càng có nhiều mico trên sân khấu, là bạn càng làm cho hệ thống âm thanh của bạn tệ đi : làm giảm chất lượng hệ thống âm thanh của bạn bằng cách giảm mức độ sạch , giảm khoảng cách giữa âm thanh nhỏ nhất và âm thanh lớn nhất (Headroom), khả năng bị hú sẽ cao hơn….. Mỗi khi bạn tăng gấp đôi số lượng micro sử dụng cùng một lúc, là có nghĩa bạn sẽ mất 3 dB của của tỉ lệ nguồn âm thanh trên tiếng ồn, và bạn cũng đã mất 3 dB dự trữ để khỏi bị hú (giả sử như hệ thống âm thanh của bạn đang phát bình thường, và nếu bạn tăng thêm 10 dB nữa là sẽ hú, nhưng nếu bạn tăng gấp đôi số lượng micro lên, thì bạn chỉ còn 7 db dự trữ, tức bạn chỉ cần tăng 7dB nữa, và rồi thì bạn …tiêu đời). Do đó yếu tố chất lượng âm thanh cũng bị giảm.
Vậy thì, lúc này bạn phải là người quyết định : LÚC NÀO THÌ MICRO NÀO ĐƯỢC MỞ !!! Bạn hãy cố gắng giảm thiểu số lượng micro cần thiết phải mở bằng cách: chỉ mở những micro nào khi thấy micro đó thực sự cần thiết phải mở.
Ví dụ : những người ca bè, các nhạc công thường có micro cho riêng họ, nhưng không phải lúc nào họ cũng sử dụng nếu không nói là chỉ vài đôi lần trong một đêm diễn. Nếu bạn không phải là người làm âm thanh chuyên nghiệp thì có thể bạn sẽ luôn luôn để cho những micro đó luôn luôn mở !!! Nhưng nếu bạn là người căn âm thanh giỏi, thì tốt hơn hết, bạn tắt ngay micro nào mà bạn thấy người nhạc sĩ vừa thôi không sử dụng nữa, và lập tức mở lên lại khi thấy người nhạc công ấy có dự định muốn ca…
Còn nếu bạn thấy có qúa nhiều micro để không thể lúc nào cũng theo dõi được thì bạn hãy sử dụng thiết bị Noise Gate. Thiết bị này sẽ tắt micro ngay lập tức cho bạn khi người nhạc công ấy không sử dụng micro nữa, và tự động mở lên ngay lập tức khi người nhạc công vừa cất tiếng hát. Hoặc bạn có thể trang bị những loại micro mà nó có công tắc để nhạc công có thể tự động điều khiển lấy micro khi họ muốn.
Sau đây, tôi xin đưa ra một vài hướng dẫn về cách đặt micro sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Nhưng đầu tiên, bạn hãy chú ý đến quy tắc sau :
QUY TẮC ĐẶT MICRO THEO TỈ LỆ 1/3
Khi đặt những micro gần nhau, luôn phải nhớ khoảng cách giữa hai micro phải tối thiểu bằng 3 lần khoảng cách từ micro đến người biểu diễn gần nhất hay khoảng cách từ người biểu diễn gần nhất phai nhỏ hơn 3 lần khoảng cách giữa 2 micro.
VÍ DỤ CÁCH ĐẶT MICRO CHO 3 CA SĨ:
Trong trường hợp này, giả sử chúng ta có 3 ca sĩ đứng thành một hàng. Thường thì tôi thấy các bạn hay đặt 2 micro với micro thứ 1 ở giữa người thứ 1 và thứ 2, còn micro 2 đặt giữa người thứ 2 và người thứ 3. Các bạn có thể dễ dàng thấy khoảng cách giữa 2 micro không nhỏ hơn 3 lần so với khoảng cách từ micro đến người biểu diễn gần nhất. Khi chúng ta đã không làm đúng quy tắc, thì đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có những kết quả ngoài mong muốn. (Đương nhiên nếu chúng ta đặt 3 micro gần 3 ca sĩ thì là chuyện khác, lúc đó các ca sĩ sẽ đứng rất gần micro của mình, thì giống như 1 người 1 mic vậy)
Vậy thì, chúng ta nên làm sao đây ? Chúng ta nên sử dụng kỹ thuật đặt micro theo hình chữ thập. Theo cách này thì 2 micro sẽ được đặt thật gần nhau, đến nỗi 2 đầu của micro đó chạm vào nhau. Nhưng micro ở bên trái sẽ chĩa vào người bên phải, và micro ở bên phải sẽ chĩa vào người bên trái.
Kỹ thuật đặt micro như trên cũng có tác dụng tuyệt vời khi đặt micro cho những người diễn thuyết. Khi diễn giả quay qua trái, qua phải, dịch người tới lui thì cách đặt micro nhày sẽ giúp bạn không phải luôn tay điều chỉnh độ lớn của micro cho người diễn giả.
Vậy thì bây giờ, tại sao bạn lại không thử một chút để xem hiệu quả của kỹ thuật mới như thế nào ???
Nhân đây, tôi cũng xin đề cập đến một sai sót rất lớn và rất phổ biến: tôi thấy rất, rất , rất nhiều ca sĩ và chuyên viên âm thanh luôn luôn bịt đầu micro (bịt gần hết đầu micro) trong lúc thử hoặc ca. Điều này sẽ làm cho âm thanh của bạn hoàn toàn bị méo và rất dễ gây hú. Bạn hãy thử tự tìm hiểu tại sao sau đó nêu lại câu hỏi với chúng tôi.