Tuồng (hay hát bội) là một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển độc đáo của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và phong phú của dân tộc.
Biểu diễn Tuồng có những nguyên tắc cách điệu, ước lệ vô cùng nghiêm ngặt từ trong cấu trúc kịch bản, đến sắp xếp làn điệu, từ câu hát, đến âm nhạc, đặc biệt là phương pháp biểu diễn tổng hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát và múa, giữa trình diễn và võ thuật dân tộc, giữa nhập vai và thoát vai.
Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương... Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của Tuồng.
Lực lượng chính nghĩa, trong những tình huống gian khổ, hiểm nguy, đã chiến đấu vô cùng dũng cảm với một tín niệm sắt đá, thủy chung, với một khát vọng rất lớn. Họ chiến đấu cho một lý tưởng tuyệt đối (phục nghiệp cho dòng vua cũ) và bằng một lòng trung thành vô hạn độ. Cuộc chiến đấu của họ thường diễn ra đầy khí thế hào hùng, gây xúc cảm thẩm mỹ mạnh mẽ.
Tuồng (hát bội hay hát bộ) – Một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển khá độc đáo của Việt Nam. Ngôn ngữ của tuồng là văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn nôm. Theo một số tư liệu thì tuồng ảnh hưởng của hí khúc (Trung Quốc) do quân lính nhà Nguyên bị giữ làm tù binh dưới thời nhà Trần (thế kỷ XIII) biểu diễn. Nhưng tuồng Việt Nam có nét riêng của nó. Lúc đầu, tuồng chỉ xuất hiện ở miền Bắc, sau đó theo binh lính chúa Nguyễn vào Đàng Trong và phát triển cực thịnh ở đó. Tuồng phát triển mạnh vào thế kỷ XVII -XVIII. Sang triều Nguyễn (thế kỷ XIX) tuồng vẫn giữ vị trí xứng đáng trong đời sống văn hoá ở cung đình và trong đời sống bình dân.
Có thể nói, Tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử mà Tuồng có nhiều loại chủ đề khác nhau, nhưng chủ đề tồn tại khá lâu và chiếm được cảm tình của người xem là “phò Vua diệt Nguỵ”.
Tuồng thuộc dòng sân khấu tự sự phương Đông. Phương thức phản ánh đã đẻ ra thủ pháp và phương tiện biểu diễn Tuồng. Trong quá trình tái hiện cuộc sống Tuồng không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần - biện pháp nhằm lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết ấy không gây được hiệu quả nghệ thuật. Để lột tả được cái thần của nhân vật, Tuồng dùng thủ pháp khoa trương cách điệu tất cả những lời nói, động tác hình thể, sự đi lại trên sân khấu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể.
Tuồng có một hệ thống những điệu hát và những hình thức múa cơ bản mang tính chất khuôn mẫu. Cùng với khoa trương cách điệu, Tuồng còn dùng thủ pháp biểu trưng ước lệ nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể, cuốn hút khán giả cùng tham gia vào sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn viên. Không gian và thời gian được gói gọn trong những câu hát, động tác múa với những đạo cụ thô sơ... nhờ đó mà khán giả có thể tưởng tượng ra núi, sông, sáng sớm, chiều hôm, trận mạc, đi ngựa, xuống thuyền...
Bởi vậy, khác với sân khấu hiện thực tâm lý, Tuồng rất ít bài trí sân khấu, không cần đến trang trí mỹ thuật phông màn cầu kỳ. Không gian sân khấu thường được bỏ trống, người diễn viên xuất hiện thì không gian, thời gian cũng xuất hiện. Nhân vật hành động trong không gian, thời gian nào thì sân khấu là không gian, thời gian đó. Thuở trước các gánh hát Tuồng chỉ cần chỉ có một chiếc chiếu trải giữa sân đình và đôi ba cái hòm gỗ đựng đạo cụ phục trang vậy mà họ vẫn diễn tả được không gian, thời gian khác nhau, khi là chốn cung điện nguy nga, lúc là nơi núi rừng hiểm trở...
Nghệ thuật Tuồng, với cách hoá trang tạo diện mạo cho nhân vật, không có gì là tả chân, mà hoàn toàn tượng trưng. Người diễn viên, ngoài khả năng ca xướng, vũ đạo, diễn xuất, còn phải biết vẽ mặt mình, khi thủ bất cứ vai nào.
Nhờ những gương mặt được hoá trang, khán giả biết ngay tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật, khi mới vừa thấy diễn viên bước ra sân khấu. Ví dụ như: Màu đỏ son hay đỏ ngân là tượng trưng cho người anh hùng, trung trinh tiết liệt, có thể kể đến những nhân vật như Quan Công, Cao Hoài Đức, Địch Thanh... Nếu gương mặt được đánh nền là màu trắng mốc, thì đích thị là kẻ gian thần, xu nịnh, chẳng hạn như Bàng Hồng, Đổng Trác, Tào Tháo... Màu đen thì lại tượng trưng cho những người chất phác, bộc trực, nóng nảy, nhưng ngay thẳng và chân thực, đó là Trương Phi, Trịnh Ân, Uất Trì Cung... Người có tuổi, kẻ bần dân như lão chài, lão tiều thì mặt cũng có màu sắc biểu trưng: màu xám dợt. Tương tự, màu xanh được dùng cho khuôn mặt của những người mưu mô xảo quyệt, lũ yêu ma như Ngô Tôn Quyền, Cáp Tô Văn...
Tuồng vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của sân khấu hiện đại. Yếu tố cổ điển biểu hiện ở chỗ tất cả những điệu hát, điệu múa được đúc kết trở thành khuôn vàng thước ngọc, hiện đại ở chỗ người diễn viên biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí, Tuồng là loại sân khấu tổng thể. Ở đây các yếu tố ca, vũ nhạc được phát triển một cách hài hoà trong nghệ thuật biểu diễn.